THÁNG BA MÙA LỄ HỘI HOA BAN LẠI NHỚ CHUYỆN TÌNH NÀNG BAN
Khi những bông hoa đào, hoa mận rụng xuống, cả núi rừng Tây Bắc lại rực rỡ sắc hoa ban. Và Pú Hồng cũng vậy, con đường dẫn lên trường bỗng trở nên thơ mộng hơn bởi lại khoác lên mình một màu trắng hồng của những cánh hoa ban.
Khi những bông hoa đào, hoa mận rụng xuống, cả núi rừng Tây Bắc lại rực rỡ sắc hoa ban. Và Pú Hồng cũng vậy, con đường dẫn lên trường bỗng trở nên thơ mộng hơn bởi lại khoác lên mình một màu trắng hồng của những cánh hoa ban.
Trong những cánh hoa ban mỏng manh trắng hồng ấy, lại chứa đựng một câu chuyện tình vừa lãng mạn vừa đau thương!
Truyền thuyết của người Thái kể rằng: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại vừa có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác lại có tật gù lưng.
Trong những cánh hoa ban mỏng manh ấy, chứa đựng một câu chuyện tình vừa lãng mạn vừa đau thương!
Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu, rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy.
Hoa ban tượng trưng cho tình yêu chung thủy
Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Mỗi độ tháng ba về, hoa ban lại nở rực rỡ khắp núi rừng Tây Bắc
Chàng Khum, khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Đi mãi hết mường này, bản khác, cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết tự năm nào.
Ngày nay, các chàng trai, cô gái hay kể cho nhau nghe câu chuyện tình trong trắng và thương tâm, thủy chung của chàng Khum và nàng Ban xa xưa rồi cùng rủ nhau ra rừng tìm những cánh hoa ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa ban trong trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.
Ngày nay, hằng năm, Tỉnh Điện Biên vẫn tổ chức Lễ hội Hoa Ban để thu hút khác du lịch trong và ngoài nước về tham dự. Đặc biệt lễ hội Hoa Ban thu hút sự tham gia của các dân tộc các tỉnh Tây Bắc. Lễ hội hoa Ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường được người Thái ở Tây Bắc tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc…
Cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh hoa ban của Pú Hồng nhé!
Hoa ban tại Thành Phố Điện Biên Phủ!
Những bức ảnh tuyệt vời của chị em khi mùa hoa ban nở!
Trường PTDTBT THCS Pú Hồng bỗng mộng mơ hơn sắc trắng của hoa ban!
Tác giả bài viết:
Lò Văn Thắng